Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Ý nghĩa của hành động bi hùng nầy có nhiều nhưng ngay lúc đó không ngoài việc Ngài đã dùng chính thân xác mình để đốt đuốc soi đường cho những ai dính dáng xa gần đến cuộc đàn áp và tranh đấu của Phật giáo dưới thời Tổng Thống VNCH, Ngô Đình Diệm. Hơn 50 năm qua, thời gian đủ để chúng ta bình tâm nhìn lại sự kiện lịch sử nầy không phải như một kỷ niệm đau buồn, hay bi hùng, cũng không phải như một kiến thức lịch sử cần phải biết mà là để rút ra bài học cho những bước tiến tương lai của dân tộc và cho chính mỗi con người nhỏ bé chúng ta trong cõi ta bà mê muội này.
Ngày 11 tháng 06 năm 1963 Ngài tự thiêu ngay tại trung tâm Sài-gòn, góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Thế giới rúng động vì cử chỉ từ tốn của Ngài khi chấp tay lạy bốn phương rồi ung dung ngồi xuống kiết già để thực hành việc tự thiêu. Thân xác Ngài chừng một giờ đồng hồ sau đã biến mất. Vâng, biến mất, cuối cùng chỉ còn lại trái tim. Trái tim bất diệt về thực thể và về tượng trưng.
Với dân chúng và tín hữu thì trái tim bất diệt thực thể ai cũng thấy được, cũng xuýt xoa thán phục sự linh thiêng của Ngài, thân xác đã thành tro bụi nhưng trái tim không mất. Để lại như một dấu ấn rằng Ngài đã đến thế gian nầy và đã ra đi theo một cách thế đặc biệt trong một hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước và của Phật giáo, để lại như một chứng tích của lòng dũng cảm, dám từ bỏ chính thân xác mình khi cần thiết.
Về tượng trưng thì trái tim Ngài biểu lộ trong hành vi tự thiêu. Người vô minh, mê muội còn chấp nhất đạo nầy đạo kia, còn ganh tỵ về sự lớn mạnh của một đạo nào đó không phải là đạo của mình nên có những cử chỉ gọi là đàn áp. Mê nên chỉ thấy phần tự do tín ngưỡng của mình mà quên quyền tự do tín ngưỡng của người khác, của thành phần khác trong cộng đồng dân tộc. Mê nên chỉ thấy cần đàn áp để mình được chút vinh danh, chút bổng lộc, chút tư thế trong guồng máy cai trị.
Ngọn đuốc thắp sáng lên nếu bằng những vật liệu bình thường thì tác dụng thiệt là bình thường, có thể nói là không có gì đáng kể. Đàng nầy Ngài đã lựa chọn phần quí nhứt của con người: mạng sống của chính Ngài. Với một người tu hành, tuy được thấm nhuần trong lý thuyết là thân thể nầy vốn huyễn ảo, có có không không, chẳng gì khác hơn là sự kết hợp của ngũ uẩn và tứ đại nhưng về mặt khác cũng được lưu ý là ta không thể hủy hoại thân thể mình, nó kết hợp với thần thức ta để tạo nên con người ta. Hủy hoại thân xác tức là hủy hoại luôn thần thức của một người. Đó là chưa kể đạo lý bình thường nhứt là phụ công cha mẹ sinh thành nuôi nấng, theo lời dạy của
Kinh Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng vốn được lưu truyền trong giới Phật giáo đồ từ thế kỷ 17 đến ngày nay bằng bản chữ Hán và cả bản dịch Nôm được phổ biến sâu rộng trong các chùa chiền. Thế nên ta biết chắc rằng trước khi quyết định tự thiêu Ngài đã suy nghĩ thao thức, cân phân coi đây phải là hành động cần thiết hay không.
Sự suy nghĩ đó nằm trong hai tài liệu quan trọng mà Ngài để lại là Đơn Xin Thiêu Thân gởi cho Giáo Hội Tăng Già Việt Nam viết bằng chữ Quốc Ngữ và Lời Nguyện Tâm Quyết viết bằng chữ Nôm mà ít người được biết trong đó có những câu toát lên lòng vị tha của Ngài.
Trong Đơn Xin Thiêu Thân Ngài xác nhận rằng mình đi theo con đường chung của Phật Giáo đồ là tranh đấu bất bạo động. Ngài nói rất rõ ràng:
“Nguyện luôn luôn son sắt bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình hợp lý, bất bạo động của Phật giáo đồ Việt Nam.”
Tự thiêu là con đường bất bạo động tuyệt cùng. Không muốn làm đau đớn cũng như làm hại người khác, dầu cho người khác đó có bách hại tôn giáo mình, tàn sát tín hữu mình.
Trong Lời Nguyện Tâm Quyết mà ta có thể coi là lời tuyệt mệnh của Ngài, ta không thấy một chút xíu giận ghét nào, chỉ thấy lòng Ngài bao la, bình tâm cầu mong cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt giải quyết vấn đề êm đẹp, cầu mong cho Tổng Thống lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo
Chắc chắn rằng dưới mắt Ngài, Tổng Thống Ngô Đình Diệm không phải là người đối nghịch cần phải triệt diệt, mà chỉ là người vướng mắc trong sự mê lầm nhứt thời cho nên Ngài cầu mong Tổng Thống sáng suốt, sáng suốt với vấn đề và sáng suốt áp dụng sự bình đẳng đối với toàn thể quốc dân. Nhứt là đem tấm lòng từ bi bác ái của con người mà áp dụng cho toàn thể quốc dân.
Những sự việc xảy ra kế đó về sự thay vế đổi ngôi có chết chóc, có bắn giết… sau ngày Ngài tự thiêu là những sự việc của chánh trị trên cao từng, của sự sắp xếp bàn cờ thế giới, của những bàn tay cao thủ ngoài dự kiến của người Việt Nam, kể cả Ngài.
Bài học, cái nhìn ý nghĩa từ hành động của Ngài và sự cố gắng của mỗi người để thực hành bài học đó mới đáng kể, kỳ dư chỉ là phù phiếm, vô ích hay lợi dụng. Ngọn Đuốc Tuệ đã được thắp lên, soi tỏ cho chúng sinh để từ đó giúp chúng sinh thoát khỏi mê lầm. Nhưng chúng sinh có mở mắt chăng đó mới là điều quan trọng.
Tiếp theo Ngọn Đuốc Tuệ của Ngài, nương theo ánh sáng đạo dẫn dắt nên trong suốt thời gian mấy mươi năm trôi qua, biết bao nhiêu tăng ni đã theo gương ngài mà dùng chính thân mình soi sáng đường cho thế gian bớt mê lầm, không phải chỉ trong nước Việt ta mà ở trong các nước Phật giáo khác nữa. Tây Tạng là một trường hợp điển hình với ít nhứt hơn vài trăm cuộc tự thiêu mà báo chí có thể biết được.
Xưa Đức Phật một đêm nọ bỏ cung điện ra đi và nguyện: ‘ Ta sẽ trở về khi thấy Đạo, khi giải thoát nhân gian thoát bể sầu đau.’ Bể sầu đau của nhân sinh, cách nầy hay cách khác, do Sinh Lão Bịnh Tử và do lòng sân si, đam mê vọng động của Tâm thường tình ở bên trong mỗi con người.
Đức Phật ngày xưa bỏ hết để đi vào rừng tìm đường cứu vớt nhân sinh, năm 1963 Hoà Thượng Thích Quảng Đức bỏ hết để đi vào lửa trao ra một thông điệp yêu thương, bình đẳng, ngày nay tuổi trẻ Việt Nam cũng đang bỏ hết để hằng ngày gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đại họa mất đất, mất biển, mất nước, mất tự do mà đân tộc ta đương gánh chịu.
Con đường thương yêu đồng bào, thương yêu đồng loại là con đường liên tục nhưng thể hiện bằng nhiều cách thế. Cái khó là nhìn thấy hướng đúng, hướng phù hợp với từng người! Cái khó vạn nan kế tiếp là hăn hái bước lên đi vào hành động… Nam Mô A Di Đà Phật.
Xem thêm:
Home / phat-phap-ung-dung / Từ ngọn đuốc trí tuệ đến tình yêu thương